Bài viết này là phần 1 trong chuỗi nội dung 4 phần về UX sẽ được đăng tải trong 4 số bản tin liên tiếp.
UX là viết tắt của User Experience trong tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt là trải nghiệm người dùng. UX là một khái niệm khá mới trên thế giới, chỉ bắt đầu trở nên phổ biến hơn ở các quốc gia có nhiều công ty công nghệ. Với đam mê và kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghệ, cả toàn thời gian và bán thời gian, từ Việt Nam tới Vương Quốc Anh trong 5 năm qua, mình quyết định viết chuỗi bài này để chia sẻ về các khái niệm, công việc cũng như quy trình liên quan tới UX, mong rằng sẽ giúp ích cho các bạn. Những người có thể quan tâm tới bài viết này gồm có: (tất nhiên là) những anh em bạn bè làm việc trong môi trường công nghệ thông tin, các bạn làm marketing cũng sẽ có nhiều kiến thức liên quan, các bạn bè khởi nghiệp (kể cả công nghệ hay không công nghệ, vì có một số quy trình sẽ áp dụng được cho startups), hoặc các bạn làm quản lý bên kinh doanh nhưng làm việc nhiều với các bạn bên công nghệ và muốn vào phòng họp chém gió, chém bão cùng mấy bạn IT.
Trước khi vào nội dung chính, có một lưu ý về định nghĩa từ ‘sản phẩm’ trong chuỗi bài viết về UX này. Sản phẩm (product) mà chúng ta thường nghĩ tới là sản phẩm hữu hình và, ví dụ như một cái điện thoại, một cái xe máy, hoặc một cái máy tính xách tay. Khái niệm sản phẩm trong bài viết này mang nghĩa rộng hơn là một sản phẩm hữu hình. Mình làm việc ở công ty công nghệ, nên sản phẩm ở đây có thể là một ứng dụng phần mềm (apps/softwares), một trang web, hay chỉ là một phần của trang web (functionality, widget, component,…).
Nếu các bạn tìm kiếm bằng tiếng Việt về UX, hầu hết các bài viết (tiếng Việt) hiện nay đều dùng thuật ngữ UX để nói về UX designer — nhà thiết kế UX. Tuy nhiên, một bộ phận sản phẩm (product team) đầy đủ cần tính chuyên môn hoá cao và sẽ bao gồm nhiều vị trí khác nhau. Các công việc liên quan đến UX thường có UX Designer, UI Designer, UX Researcher, UX Copywriter, UX Strategist, UX Delivery Manager, UX Coordinator, Product Manager,… Tại sao UX lại có nhiều vị trí như vậy? Để trả lời câu hỏi này, mời các bạn đón đọc Phần 2 ;). Trong bài này mình sẽ giới thiệu chung về UX cũng như giải thích tại sao UX lại trở nên quan trọng trong những năm gần đây.
Trải nghiệm người dùng — User Experience — từ góc độ của người dùng sẽ đánh giá về phần nhìn (look), cảm nhận tương tác (feel), và khả năng sử dụng (usability). Lấy ví dụ sản phẩm là một căn nhà. Phần nhìn sẽ là thiết kế ngôi nhà hình dáng ra sao, màu sắc thế nào. Cảm nhận tương tác sẽ là việc đi lại và sinh hoạt trong ngôi nhà có thuận tiện hay không. Khả năng sử dụng sẽ tập trung vào chức năng của ngôi nhà: có đủ phòng ngủ và các thiết bị cần thiết cho mọi người trong ngôi nhà đó hay không.
Có nhiều cách đo lường tính hiệu quả của sản phẩm từ góc độ UX, mỗi cách đo lường sẽ sử dụng những phương pháp nghiên cứu (UX research methods) khác nhau . Những phương pháp này dựa trên khoa học, và đòi hỏi thời gian tìm hiểu cũng như thực hành. Do đó, việc một bạn làm thiết kế kiêm luôn làm nghiên cứu thường không được khuyến khích. Vì thực tế mỗi người có thời gian làm việc nhất định và không thể hoàn thành tốt hai mục tiêu khi thời gian yêu cầu là như nhau. Quay lại với phương pháp nghiên cứu, tổng quan thì các phương pháp này sẽ tập trung vào hai tiêu chí đo lường (measurement) chính là hành vi (behaviours) và thái độ (attitude).
Vẫn lấy ví dụ sản phẩm là một căn nhà. Đo lường hành vi có thể là xem thử giữa việc đặt một cái ghế sofa đối diện cái TV và ở góc 60 độ so với cái TV thì phương án nào người ngồi trên đó lâu hơn. Đo lường thái độ hơi trừu tượng hơn một chút vì liên quan tới cảm xúc. Ví dụ, nếu bồn rửa bát quá thấp so với chiều cao của bạn thì mỗi lần rửa bát là một trải nghiệm tiêu cực.
Trong 10 năm trở lại đây, các công ty quan tâm tới UX nhiều hơn, đặc biệt là các công ty công nghệ thông tin. Sở dĩ xu hướng này gia tăng vì ngày xưa, khi các công ty phát triển và xây dựng sản phẩm, họ chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng, tức là các chức năng có vận hành được không. Khi sản phẩm thiết kế theo mục tiêu này tung ra thị trường, người dùng sẽ phải học cách sử dụng. Có sản phẩm đơn giản, dễ thì mày mò một tí là biết sử dụng như thế nào, những sản phẩm phức tạp như máy tính, khó quá thì bỏ qua ha. Ngày nay, thị trường trở nên cạnh tranh hơn và có nhiều sản phẩm tương tự nhau để người dùng lựa chọn. Nếu hai công ty cung cấp hai sản phẩm giúp người dùng đạt được mục tiêu giống nhau, thì công ty xây dựng sản phẩm tập trung vào người dùng (user-centric/user-focused) sẽ phát triển được sản phẩm dễ sử dụng hơn. Tất nhiên sản phẩm dễ sử dụng hơn sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình và được sử dụng nhiều lần hơn (product engagement). Lấy ví dụ một vài sản phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày như điện thoại iPhone hoặc trang tìm kiếm Google. Apple và Google đầu tư rất nhiều cho bộ phận sản phẩm và mỗi bộ phận sản phẩm sẽ tập trung vào một chức năng nhỏ — có khi chỉ là một trang kết quả tìm kiếm chẳng hạn.
Hi vọng phần 1 này đã giải thích qua được về UX, UX là gì, làm sao đo lường UX, tại sao UX lại quan trọng, cũng như giới thiệu qua được về các ngành nghề liên quan tới UX.
Bài viết được chia sẻ phi lợi nhuận dưới sự đồng ý của anh Lộc Phan từ Medium.
(nguồn: careerly.vn)